Trong tuần chủ đề “Đất sét và Gốm” của học kỳ hè năm nay, chúng tôi tiếp tục hành trình về thăm những ngôi làng và điểm đến lần này là một nơi hết sức đặc biệt. Nó đặc biệt ở chỗ, cho dù những công nghệ và phương thức sản xuất gốm sứ đang dần chuyển mình để tiệm cận hơn với nhu cầu và sự phát triển của xã hội ngày nay, thì nơi đây – ngay dưới dãy nhà mái ngói của Lò gốm cổ Đại Hưng, các cô chú vẫn mỗi ngày làm ra những chiếc lu, vại, hũ theo cách thủ công truyền thống trong suốt hơn 150 năm qua.
Tại đây, sự chào đón ấm áp chân tình của các cô chú thợ nghề khiến chúng tôi cảm thấy như đang ở trong chính khu “xưởng nghệ thuật ngoài trời” của mình tại trường, chứ không phải là một miền quê xa lạ lần đầu đặt chân. Điều này khiến những đứa trẻ không chút e dè, sẵn sàng ngó nghiêng, tò mò tìm hiểu về các công đoạn làm gốm thủ công. Chúng hào hứng thử sức với những chiếc bàn xoay phiên bản “chuyên nghiệp” hơn, thỏa sức lấm lem với miếng đất gáo hồ.
Từ một mô đất còn thô ráp, được nghiền thành những khối đất mềm mịn, đi qua bàn tay khéo léo của người thợ rồi khoác lên mình những lớp men lớp hồ, và sau đó là nung mình trong chiếc lò đốt củi qua nhiều giờ, chúng ta sẽ được cham tay vào những chiếc lu chiếc vại vững chãi, mang một màu đỏ cổ điển của tự nhiên.
Đất sét vốn đã là một chất liệu nghệ thuật thân thuộc của chúng tôi tại ASVN. Áp dụng tính chất tạo hình linh hoạt và dễ kết dính của đất sét trong đa dạng những hoạt động sáng tạo, đất sét như một người bạn đặc biệt – cùng chúng tôi khám phá và chơi đùa với các giác quan của mình. Giờ đây có lẽ đất sét đã phần nào trở nên đặc biệt và ý nghĩa hơn, khi chúng tôi biết rằng người bạn này không chỉ cùng chúng tôi chơi hay sáng tạo mỗi ngày, mà còn gắn liền với những nét đẹp và giá trị văn hóa truyền thống đáng được học hỏi và lưu giữ.